“Có lẽ trời đã trở lạnh, mà có thể bởi một tiếng chim miên man gọi phía sau ngọn núi kia, dường như trong ta nghe có tiếng thầm thì, ‘đã đến lúc trở về’.”
Đó là những hàng chữ cuối cùng được đăng lên trang Facebook cá nhân của bà, một tuần trước khi nữ văn sĩ Quỳnh Dao chọn kết thúc cuộc đời mình ở tuổi 86 vào trưa thứ Tư ngày 4 tháng 12 năm 2024, theo giờ Đài Loan.
Những con chữ của bà để lại vẫn bàng bạc văn phong của một trong những nữ văn sĩ lừng danh nhất Châu Á, người đã tạo biết bao thổn thức, làm tuôn bao nhiêu nước mắt của vài thế hệ độc giả, khán giả từng say mê những tiểu thuyết diễm tình của bà rồi được chuyển thể sang điện ảnh, phim truyền hình, làm chiếc cầu cho hàng loạt tài tử Đài Loan, Hoa Lục bước lên đài danh vọng khi nhập vai diễn trong tiểu thuyết Quỳnh Dao.
Sinh năm 1938 tại Tứ Xuyên, năm 11 tuổi Quỳnh Dao theo cha mẹ lánh nạn sang Đài Loan sau cuộc cách mạng 1949 tại Đại Lục. Cha của bà là một giáo sư đại học và mẹ là một cô giáo văn chương, Quỳnh Dao viết từ rất sớm. Bà có những tác phẩm đầu tay từ tuổi thiếu niên nhưng tác phẩm Song Ngoại được viết vào năm 1963, năm bà 25 tuổi, trở thành một hiện tượng và chính thức được xem một phong cách “tiểu thuyết Quỳnh Dao” ra đời, đưa tên tuổi Quỳnh Dao đến với đại chúng.
Sau cuộc hôn nhân đổ vỡ khi lấy chồng năm 21 tuổi, cùng với người chồng thứ nhì là một chủ bút, rồi trở thành nhà xuất bản, nhà sản xuất phim, cả hai là một cặp văn nghệ nổi tiếng và đầy ảnh hưởng của thị trường văn chương đại chúng và phim ảnh Đài Loan trong vài thập niên. Những tác phẩm Quỳnh Dao được chuyển thể sang điện ảnh hay phim truyền hình như Xóm vắng, Mùa Thu Lá Bay, Hải Âu Phi Xứ, Dòng Sông Ly Biệt… làm nên tên tuổi những Đặng Quang Vinh, Chân Trân, Tần Hán, Lưu Tuyết Hoa…, rồi các nữ tài tử Hoa Lục sau này như Triệu Vy, Phạm Băng Băng, trong đó phải kể đến nữ tài tử Đài Loan là Lâm Thanh Hà, người đóng vai chính đầu tiên trong phim Song Ngoại vào năm 18 tuổi, cùng một số phim Quỳnh Dao theo sau.
Tên tuổi bà thêm lan rộng khắp Châu Á từ những cuốn phim Đài Loan hay Hoa Lục này, cho giới trẻ biết đến một Quỳnh Dao được mệnh danh là “nữ hoàng truyện tình cảm” nếu không thuộc thế hệ bà và mẹ mình, những người đã từng thổn thức với những tiểu thuyết diễm tình, đầy bi lụy của Quỳnh Dao từ thập niên 60s.
Ảnh: Quỳnh Dao và chồng (trái)
Dù đã được báo Văn giới thiệu trước đó, dịch giả Liêu Quốc Nhĩ xem như người có công mang Quỳnh Dao đến với độc giả Việt Nam một cách rộng rãi hơn. Trong trả lời phỏng vấn với nhà thơ Du Tử Lê đăng trên giai phẩm Văn với chủ đề “Hiện Tượng Sách Dịch” vào năm 1973 thì tác phẩm Song Ngoại được dịch giả Liêu Quốc Nhĩ dịch và nhà xuất bản Hàn Thuyên phát hành vào năm 1970, tuy nhiên không mấy thành công. Cho đến khi ông dịch truyện “Cánh Hoa Chùm Gởi” đăng từng kỳ trên báo Đời của nhà văn Chu Tử, truyện Quỳnh Dao được độc giả đón nhận nồng nhiệt hơn, bắt đầu để ông dịch liên tiếp hàng chục tác phẩm khác của bà. Ông cho rằng có thể vì lúc bấy giờ mọi người đều mệt mỏi vì chiến tranh, giới trẻ đọc sách tư tưởng và triết học thì quá hàn lâm cũng ngán nên thích một cái gì nhẹ nhàng dễ đọc, truyện Quỳnh Dao bỗng trở thành hiện tượng, đưa ông trở thành một bánh xe lăn theo nhu cầu độc giả. Cơn sốt Quỳnh Dao lan rộng, theo ông thì cũng có vài “truyện Quỳnh Dao” giả mạo, một đôi người cầm bút đã nhái theo bà để viết truyện và đề tên Quỳnh Dao là tác giả.
Dù tiểu thuyết của Quỳnh Dao bị cho là phi thực tế và mang kịch tính quá mức, cốt lấy nước mắt độc giả qua những cuộc tình nồng nàn đầy éo le ngang trái, nhưng chúng có ma lực vô song, nhất là với những nữ độc giả. Cốt truyện Quỳnh Dao cuốn hút và cảm động, bút pháp của bà diễn tả những xung đột nội tâm cùng sự phức cảm trong tâm lý các nhân vật một cách tài tình, các nữ độc giả như không chỉ cảm nhận muôn vàn góc cạnh tình yêu mà có khi còn tìm được sự an ủi trong nỗi cô đơn hay thất vọng về tình yêu của chính mình. Truyện, phim Quỳnh Dao trở thành cơn sốt đại chúng không là điều ngạc nhiên.
Trong những lời cuối, Quỳnh Dao bảo rằng bà đã là ngọn lửa cháy bỏng những đam mê khi còn có thể và chọn sự trở về nhẹ nhàng như một bông tuyết rơi.
Xin chúc bà trở về bình yên với những tháng ngày miên viễn, ở một nơi mà bà sẽ lặng lẽ chiêm nghiệm lại cuộc đời một nữ văn sĩ Đài Loan đã một thời mang cho nhiều thế hệ độc giả, khán giả của bà đến tột cùng cảm xúc trong muôn sắc màu tình yêu.
ĐYT
Ghi danh Newsletter
Ghi danh newsletter để chúng tôi gởi bản tin đến các bạn. Xin cảm ơn!
Tiếp thị liên kết (Affiliate Disclaimer): Chúng tôi có thể nhận được hoa hồng cho bất kỳ sản phẩm/dịch vụ là liên kết tiếp thị mà bạn thực hiện. Điều này sẽ không làm phát sinh thêm chi phí cho bạn. Xem thêm Miễn trừ trách nhiệm.
– The Little Match Girl (tác giả Hans Christian Andersen): Cô Bé Bán Diêm, là một câu chuyện cảm động kể về một cô bé nghèo, bán diêm trong đêm giao thừa. Cô bé, không có đủ tiền để về nhà, ngồi trong góc phố lạnh giá và cố gắng giữ ấm bằng cách thắp từng que diêm. Mỗi lần thắp một que, cô bé lại nhìn thấy những hình ảnh huyền ảo đầy ấm áp và hạnh phúc, nhưng cuối cùng, cô bé chết trong lạnh lẽo và đói khát, một kết cục không giống có kết thúc đẹp như những câu chuyện cổ tích khác. Câu chuyện phê phán sự vô cảm của xã hội đối với những người nghèo khổ, đồng thời kêu gọi lòng trắc ẩn và sự chia sẻ. Dù kết thúc bi thảm, câu chuyện vẫn mang một thông điệp về niềm tin vào một cuộc sống tốt đẹp hơn.