Nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn: MC là nghề chông gai

Xuất hiện lần đầu tiên trên sân khấu Paris By Night trong vai trò một MC dẫn chương trình vào năm 1992, nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn đã hoạt động hơn 30 năm khi giã từ sân khấu. Ông là người đã góp phần định hình một phong cách MC mới trên sân khấu Việt Nam, khi lồng những câu nói dí dỏm, các mẩu chuyện cười cùng những kiến thức thi ca, văn hóa, lịch sử đó đây trong việc dẫn dắt những chương trình ca nhạc. Mời các bạn đọc lại những chia sẻ về nghề MC nhân sinh nhật thứ 80 của ông trong tháng Ba này.
Đinh Yên Thảo (ĐYT): – Xin chào nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn. Từ một nhà giáo, trở thành nhà văn rồi một MC dẫn chương trình, có sự liên quan nào giữa ba con người này để tạo thành một MC được xem là thành công nhất trên sân khấu người Việt hải ngoại không thưa anh?
 
MC Nguyễn Ngọc Ngạn (NNN): – Nhà giáo đứng trên bục giảng, biết chắc “khán giả” ngồi trước mặt là học trò, thua mình cả về tuổi tác lẫn kiến thức. Người MC đứng trên sân khấu, biết chắc trước mặt mình thuộc đủ thành phần, trong đó nhiều người là thầy mình, hơn mình cả về tuổi tác lẫn kiến thức. Cho nên nếu bảo rằng cái vốn liếng nhà giáo có thể giúp cho việc làm MC dễ thành công thì tôi thấy không đúng, vì thầy giáo nói chuyện với học trò khác với MC nói chuyện với khán giả, ít nhất về mặt tâm lý.
 
Mối liên hệ giữa nhà văn với MC cũng vậy. Cầm bút và cầm micro hoàn toàn khác nhau. Nhiều người cầm bút rất sắc bén nhưng nói năng ngượng nghịu và ngược lại. Hai khả năng đó ít khi đi đôi với nhau. Người cầm bút thường cô đơn ở bàn viết, trong khi người cầm micro bao giờ cũng phải đứng dưới ánh đèn sân khấu. Người cầm bút viết xong một câu, vẫn có thể gạch xóa sửa lại. Người cầm micro nói ra một câu là muộn mất rồi, không rút lại được nữa. Mai Thảo có nói “Nhà văn không nên xuất hiện trước đám đông. Sân khấu là để dành cho Hùng Cường!”. Ý Mai Thảo muốn nhấn mạnh rằng: Hai thế giới ấy không liên quan gì với nhau.
 
ĐYT: – Nếu vậy thì điều gì để anh giữ được phong độ cùng sự ứng biến sân khấu lão luyện hơn theo thời gian? Một ca sĩ có thể hát cùng bài hát sau đôi ba chục năm, còn cái khó của việc dẫn chương trình là làm sao luôn mới lạ, không lặp lại và luôn bất ngờ. Anh có xem các chương trình của Mỹ để có thêm dăm ý tưởng không?
 
NNN: – Tôi coi show Mỹ khá nhiều, từ thời Johnny Carson, Dick Clark và trước đó là Bob Hope, George Burns. Nhưng học ở họ không được nhiều vì hai nền văn hóa khác nhau, hoàn cảnh và phương tiện cũng hoàn toàn khác nhau. Lợi tức mỗi năm của David Letterman là khoảng 80 triệu đô, thừa điều kiện để ông thuê rất nhiều phụ tá, gom góp tài liệu cho ông. Nhiệm vụ của ông chỉ là deliver những kịch bản mà người khác đã soạn trước. Jay Leno cũng thế, nên người ta nói rằng nếu Jay Leno mất job thì sẽ kéo theo hơn 200 người thất nghiệp.
 
MC Việt Nam làm sao có những đặc ân như thế! Một mình phải tự lo từ A đến Z, vất vả gấp trăm lần MC của Mỹ. Tuy nhiên coi show Mỹ tôi học được một điều là họ hay kể joke về những đề tài thời sự. Lâu lâu tôi cũng áp dụng.
 
ĐYT: – Kỹ nghệ showbiz của Mỹ là kỹ nghệ bạc tỉ nên cũng khó lòng cho chúng ta so sánh được, nhưng đồng ý với anh là công việc của một MC Việt Nam chúng ta quả thật là đơn độc và vất vả. Trở lại câu chuyện nghề MC thì anh nhận sự mến mộ của khán giả cũng nhiều, nhưng cũng có những phê bình, thậm chí tấn công, chỉ trích nặng nề nhắm vào anh. Anh đã tiếp nhận, phản ứng và nghĩ về những điều này như thế nào?
 
NNN: – Phê bình là một sinh hoạt lành mạnh và cần thiết trong mọi lãnh vực nghệ thuật. Một cuốn phim, một cuốn sách ra đời cần có ngòi bút phê bình để góp ý với tác giả, vạch ra cái hay cái dở, cái đúng cái sai, hầu giúp tác giả hoàn chỉnh trong tương lai. Như vậy cái chức năng của người phê bình tự căn bản đã rất quan trọng.
 
Nhưng muốn đạt được cái chức năng quan trọng ấy thì người phê bình phải có một số điều kiện nền tảng, chẳng hạn như kiến thức, lý luận, sự khách quan và nhất là không bị tình cảm cá nhân chi phối. Nói thì đơn giản nhưng trên thực tế thì chúng ta ít gặp được những ngòi bút phê bình đứng đắn như thế. Phần lớn những lời khen chê vẫn dựa trên cảm tính và óc bè phái. Cho nên đôi khi những bài phê bình đã mất hẳn ý nghĩa để chỉ còn lại những lời vu cáo, xuyên tạc và phỉ báng.
 
ĐYT: – Nếu có nhận xét rằng, cuốn hồi ký “Kỷ Niệm Sân Khấu” xuất bản trước kia của anh có vẻ ưu ái, dành nhiều cảm tình cho giới nghệ sĩ sân khấu hơn giới nghệ sĩ sáng tác dù anh cũng là một nhà văn, anh nghĩ sao điều này?
 
NNN: – Hồi nhỏ, tôi nghe một bài hát của ban AVT trong đó có câu “Hai cô ca sĩ có thương nhau bao giờ”. Tôi hình dung thế giới nghệ sĩ chắc đầy rẫy những bon chen và kèn cựa lẫn nhau. Nhưng vài chục năm làm việc chung với họ, hàng tuần gặp gỡ nhau, tôi thấy rõ đây là một “thế giới hòa bình”. Tôi chưa gặp một trường hợp xích mích, gièm pha hay ám hại lẫn nhau. Họ có tôn ti trật tự theo tuổi tác, như trong một đại gia đình, nâng đỡ và hỗ trợ nhau tận tình, dù không cùng một trung tâm băng nhạc.
 
Tôi đã thấy những trường hợp như vài ca sĩ nổi tiếng đã bỏ thì giờ vào phòng thu ngồi cả nửa ngày để hướng dẫn một giọng ca mới vào nghề. Có lẽ một phần vì giới nghệ sĩ càng ngày càng trẻ trung, hấp thụ học vấn và cách sống của Mỹ nên tâm hồn phóng khoáng hơn ngày trước rất nhiều. Một phần nữa vì gặp nhau thường xuyên nên không thân cũng thành thân.
 
Phía văn giới thì phức tạp hơn nhiều, ít gặp nhau ngoại trừ những trao đổi qua email, mà tôi thì lại không sử dụng internet. Báo chí thì quá nhiều, mỗi nhóm cầm bút quy tụ chung quanh một tờ báo, vô tình trở thành những ốc đảo riêng biệt. Thành ra rất khó để có một nhận xét chung và khách quan về giới cầm bút.
 
ĐYT: – Cũng trong cuốn sách này thì anh xem con đường trở thành MC là con đường chông gai và khuyên những người trẻ không nên đi vào con đường này? Tại sao vậy?
 
NNN: – Khi tôi nói MC là con đường chông gai, ý tôi muốn nói đến những người muốn trở thành MC chuyên nghiệp, chọn MC như một nghề tay phải. Với tôi, nghề này quá vất vả, phải làm việc thật nhiều, tốn thì giờ đọc sách và xem show của Mỹ mà khi lên sân khấu, nếu không vững vàng, điềm tĩnh thì lời nói rất dễ mất lòng, rất dễ sai sót.
 
Trường hợp cá nhân tôi thì khác bởi nó là sự đưa đẩy tình cờ không định trước. Có thể nói, trước tôi hầu như chưa có “nghề MC”. Hoặc có mà chưa thành nghề, do đó không ai đặt cho MC một vai trò quan trọng. Chỉ cần lên giới thiệu tên bài hát và tên ca sĩ là xong. Nhưng khi MC trở thành một nghề thì đó là nghề rất vất vả, không nên theo đuổi.
 
ĐYT: – Anh cũng từng soạn hài kịch cho một số chương trình Paris by Night, theo anh thì điều gì là khó khăn nhất để tạo ra những vở kịch mang lại tiếng cười ý nhị, thông minh mà không quá dung tục, dễ dãi?
 
NNN: – Tôi có viết trong cuốn Kỷ Niệm Sân Khấu rằng, trong tất cả mọi công việc tôi đã làm thì không có việc nào khó cho bằng viết hài kịch. Bi kịch thì tương đối dễ. Chỉ một mối oan ức, một chuyện hiểu lầm, một sự phản bội, thêm vài tiếng đàn bầu là khán giả nhỏ lệ rồi. Còn hài kịch thì quá khó khăn vì khán giả định cư rải rác khắp nơi, không có cùng trình độ thưởng thức. Trình độ không có nghĩa là học vấn mà là thói quen cảm nhận nghệ thuật.
 
Thí dụ người ở thành phố lớn, nhiều báo chí, nhiều đài TV hay radio, có nhiều buổi họp mặt văn nghệ hay tiệc tùng thì chắc chắn trí óc họ bén nhạy hơn những người sống quạnh hiu ở nơi hẻo lánh. Tôi đi show gần 30 năm qua, đã thấy rõ điều này. Có những chuyện vui kể ở chỗ này, khán giả cười ầm ĩ. Đem đi chỗ khác, chỉ một nửa rạp hiểu ngay. Nửa còn lại, mặt mũi ngơ ngác ngồi im lặng. Có thể về đến nhà họ mới hiểu thì mình đã thất bại rồi.
 
Khi viết hài kịch cho Thúy Nga, tôi cũng nghĩ đến điều đó. Cố gắng đơn giản để khán giả ở đâu cũng hiểu được. Đôi khi diễn viên cũng hay chế biến, thêm thắt vài câu ngoài kịch bản theo thói quen “tấu hài” từ trong nước, mà những câu tự biên tự diễn ấy lắm khi bị chê là “tục”.
 
ĐYT: – Cảm ơn anh đã chia sẻ nhiều điều thú vị về nghề MC và kỷ niệm sân khấu. Ở độ tuổi này và đã trải qua một hành trình khá rực rỡ, với anh bây giờ chuyện gì là quan trọng nhất?
 
NNN: – Tôi không biết người khác ở tuổi của tôi thì hằng ngày suy nghĩ những gì. Nhưng riêng tôi thì cố gắng theo đúng lời cổ nhân “lục thập nhi nhuần nhĩ”, sáu mươi tuổi là nghe chuyện gì cũng không còn thấy muốn tranh cãi nữa. Huống hồ chi tôi đã quá tuổi “thất thập cổ lai hy”, thì chỉ mong sự an bình trong cuộc sống thường nhật mà thôi.
 
ĐYT: – Xin cảm ơn nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn đã dành thời gian cho cuộc trò chuyện thân mật này. Thân chúc anh mọi sự an lành và sức khoẻ.
 
NNN: – Cảm ơn ĐYT và kính chúc quý độc giả, khán giả mọi điều tốt đẹp.
 
                                                               Đinh Yên Thảo thực hiện
 
Ghi danh Newsletter

Ghi danh newsletter để chúng tôi gởi  bản tin đến các bạn.  Xin cảm ơn!

Tiếp thị liên kết (Affiliate Disclaimer):  Chúng tôi có thể nhận được hoa hồng cho bất kỳ sản phẩm/dịch vụ là liên kết tiếp thị mà bạn thực hiện.  Điều này sẽ không làm phát sinh thêm chi phí cho bạn.  Xem thêm Miễn trừ trách nhiệm.

–  The Little Match Girl (tác giả Hans Christian Andersen): Cô Bé Bán Diêm, là một câu chuyện cảm động kể về một cô bé nghèo, bán diêm trong đêm giao thừa. Cô bé, không có đủ tiền để về nhà, ngồi trong góc phố lạnh giá và cố gắng giữ ấm bằng cách thắp từng que diêm. Mỗi lần thắp một que, cô bé lại nhìn thấy những hình ảnh huyền ảo đầy ấm áp và hạnh phúc, nhưng cuối cùng, cô bé chết trong lạnh lẽo và đói khát, một kết cục không giống có kết thúc đẹp như những câu chuyện cổ tích khác. Câu chuyện phê phán sự vô cảm của xã hội đối với những người nghèo khổ, đồng thời kêu gọi lòng trắc ẩn và sự chia sẻ. Dù kết thúc bi thảm, câu chuyện vẫn mang một thông điệp về niềm tin vào một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Share