Tôi đến cổng máy bay theo thông tin trên các màn hình của phi trường. Cổng vắng tanh, cũng không có thông báo gì về chuyến bay của tôi. Một cặp Á Ðông cũng đến cổng này và đi ngược lại dò những màn hình. Nghe họ nói tiếng Việt, tôi quay sang hỏi:
– Các bạn cũng sang Cali, phi trường John Wayne phải không?
– Dạ, đúng rồi.
– Ði chơi hả.
– Dạ tụi em sang Cali họp lớp – cô vợ trả lời, đầy lịch sự và thân thiện.
Vậy là họ bay cùng chuyến bay như tôi đoán. Tôi nhìn họ lần nữa. Không có dấu hiệu gì là tôi đã từng gặp mặt. Nhưng biết đâu, đời sống có bao nhiêu điều tình cờ. Tôi cũng sang họp bạn, cũng sang Orange County cuối tuần.
– Các bạn học trường nào?
– Dạ, NTH- Lại cũng cô vợ trả lời.
– A, vậy sao?
Chúng tôi quay ngược lại các cổng có nhân viên hãng hàng không Frontier chúng tôi sẽ bay. Cổng máy bay thay đổi mà hãng này không thông báo và tôi vào trong app cũng để y vậy. Ngay tại cổng sẽ bay cũng là màn hình trống, chẳng xuất hiện thông tin về chuyến bay thông thường.
Frontier là hãng hàng không giá rẻ, kiểu phục vụ cũng bị nhiều than phiền. Nhưng từ thành phố tôi ngụ, muốn bay thẳng sang phi trường vùng Little Sài Gòn chỉ có ba chuyến bay, hai chuyến hoặc quá sớm hay quá trễ, chỉ còn chuyến Frontier cũng khá trễ nhưng chắc đủ thời gian gặp mặt bạn bè đêm tiền hội ngộ, giá vé lại rẻ phân nửa. Mua nó vậy.
Frontier bán quá số ghế, tôi bị đưa xuống vé dự bị dù đã check-in và có số ghế. Không chỉ riêng tôi mà danh sách có đến năm, sáu người. Hỏi nhân viên thì được giải thích, hành khách nào mua vé rẻ nhất sẽ bị cho xuống “stand by”, có ghi trên trang mạng. Khi mua, vé giá nào mua giá đó, làm sao biết vé rẻ nhất? Tôi không đủ thời gian để vào mạng tìm đọc “policy”. May sao tôi là người cuối cùng lên phi cơ, bằng không là … chuyến tới, tức ngày hôm sau. Có lẽ tôi sẽ rất đắn đo nếu mua vé hãng này một lần nữa.
Ðúng cổng rồi, cô vợ chỉ về hàng ghế trống gần cổng, rủ sang ngồi nói chuyện cho vui.
Ðịnh là còn thời gian sẽ ghé vào một tiệm trong phi trường, ngồi uống ly bia, chụp tấm ảnh gởi cho các bạn biết mình trên đường đi. Nhìn đồng hồ, đi tới lui tìm cổng, cũng không còn nhiều thời gian, tôi theo họ sang dãy ghế trò chuyện. Qua câu chuyện, tôi đoán có lẽ cuộc họp lớp là của cô vợ bởi cô hào hứng, vui vẻ khi nhắc đến các bạn bè sẽ gặp. Họ kể đã đóng thùng heo rừng Texas mang sang làm món nhậu cho bạn bè.
Vài năm qua, tôi vẫn thường nghe và biết những cuộc họp lớp, họp trường nhiều hơn từ một số bạn bè, người quen biết, bất kể độ tuổi nào. Những bậc đàn anh đã quá tuổi “cổ lai hy” cũng tổ chức những cuộc họp mặt đồng môn, đồng ngũ lớn nhỏ. Ai cũng có nhu cầu có bạn, họp bạn.
Thật ra những cuộc hội ngộ thì bạn cũ, bạn thân chỉ dăm người, còn lại là bạn mới dù có cùng khóa, cùng trường. Ngay cả bạn cũ, vài chục năm không gặp, cũng là những người bạn hoàn toàn mới.
Hoàn cảnh, nền tảng, môi trường hay biến cố gì đó đã hình thành, tạo ra những người mới, có nhân sinh, quan điểm, lối sống khác nhau. Càng lớn tuổi, mỗi người càng ít có nhu cầu mở rộng mối quan hệ của mình. Có khi họp lớp chỉ là cái cớ để mỗi người quay lại với một thời kỷ niệm của chính mình hay là dịp thoát khỏi sự đơn điệu thường ngày. Ngoại trừ những người biết chắc có dăm người bạn thân thiết đang chờ đón khi về họp mặt.
Dù trong sâu thẳm, ai mà chẳng cần bạn, cần những người bạn thân thiết có thể cười đùa vui vẻ, thân ái với nhau. Hay đôi khi chỉ ngồi bên nhau, nhắc dăm câu chuyện chẳng đầu đuôi gì. Tiếc là câu chuyện chính trị giai đoạn của nước Mỹ đã làm tiêu tan nhiều mối giao tình lâu năm.
Tôn trọng nhau và chấp nhận những khác biệt nho nhỏ, những tình bạn cùng mối thân tình sẽ còn ở lại. Bởi đến lúc nào đó, còn gì hơn niềm vui và sự an nhiên, điều mà những tình bạn chân thành luôn mang lại.
Vài năm qua, thỉnh thoảng có dịp là tôi bay qua một người bạn thân cũ chỉ để ngồi uống với nhau vài ly rượu cuối tuần rồi lại bay về.
Có điều gì quan trọng? Ði qua dịch bịnh ắt mỗi người cũng nhận ra được dăm điều. Với riêng tôi, nó chỉ là sự tái xác nhận những điều tôi đã cảm nghiệm từ lâu. Cứ xách ba lô lên đường, cứ vui với cuộc đời không phải lúc nào cũng vui, cũng trọn vẹn. Chừng nào còn có thể.
Tôi bay sang Cali họp lớp lần này cũng vậy. Ðến đã tối và về sớm sau đêm họp mặt, tính ra chỉ trọn vẹn một ngày. Bạn cũ tìm lại, đùa giỡn dăm câu qua Facebook không đủ thân tình để hiểu và cảm nhận về nhau. Chỉ cho đến khi gặp nhau, trò chuyện ngoài đời. Nên cũng chẳng biết hay hình dung cuộc họp lớp sẽ như thế nào. Nhưng rồi chuyến đi dẫu rất ngắn vẫn lưu lại trong tôi những kỷ niệm đẹp, những niềm vui nho nhỏ cùng bạn cũ.
Tôi vẫn nghĩ cho riêng mình, chúng tôi là một thế hệ đặc biệt. Lớn lên trong chiến tranh, đã phần nào hiểu được những bạo tàn của chiến tranh, ly biệt. Trưởng thành thời hậu chiến đầy vất vả, thiếu thốn, đời sống đã dạy mỗi người tinh thần vượt khó, nhẫn nại. Rồi mỗi người tung ra những phương trời khác nhau, vượt qua những thách đố và nỗ lực riêng tư.
Ðến tuổi “nhi nhĩ thuận” hòa quý và con cái đã trưởng thành, dù đời sống tất bật và không ai tránh khỏi những lo toan, bất ý riêng tư, nhưng nhìn lại bằng tâm tình cảm tạ, có lẽ cần trân trọng nhiều điều. Gặp lại bạn cũ cũng là một hạnh ngộ đời sống. Và những giây phút tình bạn như vậy sẽ giúp chúng ta đi tiếp hành trình của mình có phần thú vị hơn.
Vài tuần trước, tôi đọc được mẩu tin là có những người Nhật đi học cười trở lại. Họ mang khẩu trang quá lâu trong dịch bịnh để bây giờ tháo bỏ nó ra, nụ cười của họ đã không còn tự nhiên. Không ít người cũng vậy. Chiếc khẩu trang hay mặt nạ với đời sống có khi làm họ dè dặt, ngại ngần hay thậm chí lạnh lùng. Bỏ nó ra, đôi khi họ không ngờ nụ cười của mình là đốm lửa yêu thương, trở thành sự truyền nhiễm đáng yêu.
Những đêm họp mặt, chúng tôi trò chuyện, đùa vui với bạn bè đến hai giờ sáng. Tức bốn giờ sáng, theo giờ nơi tôi cư ngụ. Mà vẫn chưa buồn ngủ. Thời gian có nhiều lúc không là một đại lượng vật lý chính xác. Nó trôi qua quá nhanh trong những cuộc vui cùng sự thân tình của tình bạn, tình đồng môn.
Mà tình bạn thì giống như những đóa hoa sau vườn vậy. Chỉ dăm đóa hoa nở đã làm sân vườn dễ chịu, thú vị hơn. Chúc mừng bạn đã có hay giữ được những tình bạn rất chân thành.
ĐYT – Dallas 07/2023
Ghi danh Newsletter
Ghi danh newsletter để chúng tôi gởi bản tin đến các bạn. Xin cảm ơn!
Tiếp thị liên kết (Affiliate Disclaimer): Chúng tôi có thể nhận được hoa hồng cho bất kỳ sản phẩm/dịch vụ là liên kết tiếp thị mà bạn thực hiện. Điều này sẽ không làm phát sinh thêm chi phí cho bạn. Xem thêm Miễn trừ trách nhiệm.
– The 7 Habits of Happy Kids (tác giả Sean Covey): 7 Thói Quen Để Trẻ Hạnh Phúc là cuốn sách giáo dục kỹ năng sống cho trẻ từ 4–10 tuổi. Qua các câu chuyện dễ thương về nhóm bạn, sách giới thiệu 7 thói quen giúp trẻ học cách tự chịu trách nhiệm cho cuộc sống của mình, có kế hoạch, cân bằng cuộc sống, làm việc chung trong nhóm, và tự chăm sóc bản thân. Cuốn sách hướng các em tìm hiểu cách mỗi em đều có thể trở thành một em nhỏ hạnh phúc. Cuốn sách dạy kỹ năng sống khá hay.